YouTuber

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

YouTuber, nhân vật Youtube hay còn gọi là người sáng tạo nội dung (creator), đối tác của YouTube (YouTube Partner) [1] chỉ những người upload các video lên trang YouTube nhằm mục đích chia sẻ nội dung hoặc kiếm tiền.[2][3]

YouTuber, tài khoản và kênh YouTube[sửa | sửa mã nguồn]

Các sản phẩm của Google như Gmail, Google+, Google Search, Google Translate, Google AdSense, YouTube,... được đồng bộ với nhau, nên chỉ cần sở hữu một tài khoản Gmail, người dùng tự động sở hữu một tài khoản YouTube, hay còn gọi là một kênh YouTube. Người dùng có thể tương tác bằng cách nhấn nút like, dislike, để lại nhận xét khi xem video, lập danh sách phát theo ý thích, đăng ký các kênh khác và đương nhiên là upload video của mình lên YouTube.

Đôi khi người dùng chỉ upload những video thuần túy nhằm mục đích chia sẻ hoặc lưu giữ nội dung, những người làm video nhằm mục đích kiếm tiền, khi đạt được những yêu cầu của YouTube đưa ra và bắt đầu kiếm tiền thì trở thành đối tác của google (YouTube Partner).

Ngày nay, có không ít những người làm và upload video chuyên nghiệp lên YouTube, đầu tư xây dựng thương hiệu cho kênh YouTube của mình và coi đây là nguồn thu nhập mưu sinh chính, tạo thành một nghề.[4] Điều này cũng tương tự với những trang chia sẻ video khác như Vimeo, Dailymotion, Mocha video...[5]

Sự ghi nhận của YouTube và cộng đồng[sửa | sửa mã nguồn]

Để ghi nhận sự đóng góp và phát triển của YouTuber và kênh YouTube, khi kênh đạt được 100.000 người đăng ký, YouTuber có thể yêu cầu để được nhận một vật kỷ niệm có hình dạng nút play biểu tượng của YouTube, thường được gọi là nút Bạc. Tương tự khi đạt 1 triệu lượt đăng ký, kênh YouTube có thể được ghi nhận bằng nút Vàng, đạt 10 triệu lượt đăng ký, kênh được nhận nút Kim cương và 50 triệu lượt đăng ký sẽ là nút tùy ý(thường là nút Ruby). Khi đạt 100 triệu người đăng ký sẽ được nhận nút Kim Cương Đỏ.

Đối với kênh thuộc về người sáng tạo có danh tiếng, nghệ sỹ hoặc là kênh chính thức của một thương hiệu, doanh nghiệp hoặc tổ chức thông qua xác minh thì bên cạnh tên của kênh sẽ có dấu tích hình chữ "V", được gọi là "Huy hiệu xác minh trên kênh". Để được dấu xác minh, kênh cần hội tụ một số điều kiện, thông thường điều kiện tiên quyết là phải đạt trên 100.000 lượt đăng ký, tuy nhiên điều kiện này linh hoạt. Sau khi kênh đổi tên thì huy hiệu không được duy trì và quy trình xác minh và nhận huy hiệu phải bắt đầu lại.[6]

Điều kiện để bắt đầu kiếm tiền[sửa | sửa mã nguồn]

Khi upload video lên, người đăng tải có thể tùy chỉnh rất nhiều yếu tố, nhưng 2 yếu tố quan trọng nhất để video có thể kiếm được tiền, đó là để video ở chế độ công khai để người xem có thể xem được video và thứ 2 là bật nút kiếm tiền cho video.

Trước đây, chế độ kiếm tiền chỉ áp dụng ở một số quốc gia nhất định, người dùng Việt Nam phải thay đổi đăng ký quốc gia sang các nước có áp dụng chính sách này mới bật được chế độ kiếm tiền (thường là Hoa Kỳ), Sau này các quốc gia được áp dụng ngày càng được mở rộng, bao gồm cả Việt Nam; kênh YouTube có thể ngay lập tức bật chế độ kiếm tiền, tuy nhiên, điều kiện ngày càng thắt chặt. Điều kiện hiện nay là kênh YouTube buộc phải có hơn 4.000 giờ xem video trong vòng 12 tháng trước và có ít nhất 1.000 người theo dõi.[cần dẫn nguồn]

Nền tảng kiếm tiền trên YouTube[7][sửa | sửa mã nguồn]

Kiếm tiền từ quảng cáo[sửa | sửa mã nguồn]

Cũng giống như đa số các phương thức kiếm tiền online trên các trang mạng chia sẻ nội dung khác, nguồn tiền trên YouTube đến từ quảng cáo,[8] có nghĩa là nhà quảng cáo, thông qua YouTube, đặt quảng cáo của mình lên các video tải lên và chi trả tiền quảng cáo cho YouTube, YouTube chia sẻ một phần doanh thu cho người upload video, con số hiện nay là 55%.

Có 5 kiểu quảng cáo mà youtube sử dụng là "Quảng cáo hiển thị hình ảnh, quảng cáo lớp phủ, thẻ được tài trợ, quảng cáo có thể bỏ qua và quảng cáo không thể bỏ qua."

Số tiền nhiều hay ít phụ thuộc vào vô số yếu tố. Người ta thường quan tâm đến hai con số là RPM (Revenue per mille), tức là doanh thu tính trên 1000 lần hiển thị quảng cáo, và CPC (cost per click), tức là doanh thu tính trên mỗi một lần người dùng click vào quảng cáo. Những con số này khác nhau đối với từng quốc gia. Như vậy, doanh thu có thể xem như tỉ lệ thuận với số lượt xem, bởi lẽ số lượt xem nhiều thì đồng thời số lần hiển thị quảng cáo cũng nhiều, và xác suất để người xem click vào quảng cáo cũng cao hơn.[5]

Youtube Premium (Red)[sửa | sửa mã nguồn]

Việc xuất hiện quảng cáo trên video mang lại doanh thu cho YouTuber nhưng lại khiến cho người xem cảm thấy bất tiện. Hình thức YouTube Red cho phép người xem đăng ký trả tiền để xem video không có quảng cáo, YouTube trích một phần tiền mà người đăng ký chi trả cho YouTuber. Các gói YouTube Red mới chỉ được áp dụng ở một số quốc gia.

Các gói subscribe và superchat[sửa | sửa mã nguồn]

YouTube hiện đang có ý tưởng cho phép các YouTuber bán các gói subscribe độc quyền cho người đăng ký (Channel membership), cụ thể người đăng ký kênh của các YouTuber phải trả một khoản phí đăng ký độc quyền và sẽ được hưởng những ưu tiên như xem video trước, với chất lượng cao hơn, tương tác với chủ kênh YouTube,...[9]

Superchat là một cách thức kiếm tiền khác của YouTuber, trong đó, khi "người sáng tạo" tương tác trong cuộc trò chuyện trực tiếp với "người hâm mộ". Người hâm mộ có thể trả tiền để làm nổi bật tin nhắn của mình trong cuộc trò chuyện trực tiếp.[10]

Chi trả doanh thu của YouTube[sửa | sửa mã nguồn]

Để nhận được tiền kiếm được, người dùng phải đăng ký một tài khoản Google AdSense, khai báo chính xác các thông tin cá nhân trùng khớp với giấy tờ tùy thân được dùng khi lĩnh tiền. Khi số tiền tích lũy đạt trên 10 USD, Google sẽ gửi một thư có chứa mã PIN xác nhận đến địa chỉ được người dùng đăng ký, nhập đúng mã PIN thì xem như tài khoản đã được xác minh. Ngưỡng thanh toán tối thiểu là 100 USD. Tiền có thể được thanh toán qua hình thức chuyển tiền Western Union, qua séc, hay tài khoản ngân hàng.

Network[sửa | sửa mã nguồn]

Chương trình đối tác của YouTube, có nghĩa là YouTube trực tiếp quản lí việc đặt quảng cáo, chi trả doanh thu cho bạn. Ngoài ra còn một hình thức gián tiếp là tham gia Network, đây là các đơn vị trung gian, sẽ làm việc với YouTube và đơn vị quảng cáo thay người làm video và chịu trách nhiệm chi trả tiền doạnh thu. Tham gia Network, người dùng được hưởng một số hỗ trợ nhất định, thanh toán linh hoạt (cả về định mức lẫn phương thức), tuy nhiên cũng có những nhược điểm của nó. Một số Network bị cáo buộc cố tình chậm chi trả hoặc quỵt tiền của YouTuber.

Điều khoản về bản quyền và nguyên tắc cộng đồng[11][sửa | sửa mã nguồn]

Người dùng có thể upload video với bất kỳ nội dung nào, miễn là thu hút người xem, bởi vậy phát sinh vấn nạn ăn cắp bản quyền hoặc làm video có nội dung không lành mạnh (khiêu dâm hay bạo lực,...). YouTube có cơ chế phát hiện tự động những video như vậy, ngoài ra người dùng có thể báo cáo với YouTube.

Nếu video bị YouTube quyết định là có vi phạm điều khoản về bản quyền hay nguyên tắc cộng đồng, thì video có thể không kiếm được tiền nữa, thậm chí nặng hơn là bị xóa bỏ và kênh YouTube đó phải chịu cảnh cáo. Mỗi cảnh cáo sẽ tự động được xóa bỏ sau thời hạn 3 tháng. Đi kèm với các cảnh cáo là những hạn chế khác như tắt chức năng phát trực tiếp, mất khả năng đăng tải video mới,.... Nếu bị 3 cảnh cáo trở lên cùng lúc thì kênh YouTube sẽ bị xóa bỏ.

Các nguồn thu khác và các hoạt động ăn theo[sửa | sửa mã nguồn]

Ngoài kiếm tiền từ Google AdSense hay Network, còn có các nguồn thu và hoạt động dịch vụ khác.

Affiliate marketing (Tiếp thị liên kết) tức là YouTuber thông qua video của mình, chào hàng hay giới thiệu sản phẩm của một bên khác, và khi người xem quan tâm, mua hàng thì YouTuber được hưởng hoa hồng. Hoặc là bên có nhu cầu quảng cáo liên hệ với chính YouTuber để sản phẩm của mình được trực tiếp hay gián tiếp quảng bá trên video của YouTuber và hưởng thanh toán theo thỏa thuận.

Áp dụng YouTube trong kinh doanh online và phát triển doanh nghiệp: Xây dựng những video quảng bá những sản phẩm mà chính mình kinh doanh hoặc sản xuất để thúc đẩy bán hàng.

Huy động vốn và kêu gọi ủng hộ: YouTuber thông qua video của mình kêu gọi sự ủng hộ của người đăng ký trên tinh thần tự nguyện nhằm mục đích hỗ trợ YouTuber phát triển kênh, thực hiện các dự án,[12]...

Các hoạt động đi kèm như dịch vụ tăng số lượt xem, tăng số đăng ký để đạt điều kiện kiếm tiền, nhận kháng cáo thay YouTuber khi kênh YouTube bị cảnh cáo, sản xuất video để bán cho các kênh YouTube, mua bán kênh YouTube,....

Quản lí của cơ quan nhà nước và vấn đề thuế[sửa | sửa mã nguồn]

Các bước đăng ký và xác minh của YouTuber và kênh YouTube hoàn toàn nặc danh (chỉ trừ các vấn đề liên quan đến thanh toán cần khai báo chính xác theo giấy tờ tùy thân), bởi vậy các cơ quan quản lí rất khó có cơ chế quản lí, đặc biệt là vấn đề chủ thể và nội dung video upload lên hay chế tài xử phạt khi có vi phạm. (Năm 2017, tại Việt Nam từng phát sinh vụ việc một số video dành cho trẻ em có nội dung phản cảm không phù hợp với lứa tuổi, hay nhiều video bị cáo buộc là chống phá, bôi nhọ nhà nước và lãnh đạo). Ngoài ra, nguồn thu nhập từ YouTube không phải là nhỏ, dẫn đến vấn đề cần truy thu thuế thu nhập.

Trong một động thái thiết chặt quản lí, tháng 2 năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin - Truyền thông có công văn cho biết, sẽ tiến hành rà soát và xử lý các vi phạm trên trang YouTube[13]. Bộ cũng có ý tưởng sẽ lập danh sách các kênh youtube để đưa vào quản lí và thu thuế[14].

Theo thỏa thuận của YouTuber và YouTube, YouTube chịu trách nhiệm nộp thuế liên quan đến những giao dịch giữa Google và các bên quảng cáo, còn các khoản thuế liên quan đến các dịch vụ, khác với các khoản thuế căn cứ theo thu nhập ròng của Google do YouTuber chịu trách nhiệm. Theo quy định hiện hành, người nhận thu nhập từ các tổ chức như Facebook, Google, YouTube... được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh và có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì phải nộp thuế. Mức thuế là 7% trên thu nhập (gồm 5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân).[15]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Tổng quan về Chương trình Đối tác YouTube”.
  2. ^ “Người Việt kiếm tiền nhờ YouTube”.
  3. ^ “Cách kiếm tiền từ video”.
  4. ^ “Kiếm hàng nghìn USD mỗi tháng từ view trên Youtube”.
  5. ^ a b “Những cách kiếm tiền trên YouTube”.
  6. ^ “https://support.google.com/youtube/answer/3046484?hl=vi”. support.google.com. Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp)
  7. ^ “Bài học: Toàn cảnh về doanh thu”.
  8. ^ “Thứ Sáu, 28/07/2017 - 06:47 Các ngôi sao trên Youtube kiếm tiền từ quảng cáo như thế nào?”. line feed character trong |tiêu đề= tại ký tự số 28 (trợ giúp)
  9. ^ “Xuất hiện cách kiếm tiền mới trên YouTube”. http://dantri.com.vn. Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  10. ^ “Mua Super Chat - Youtube trợ giúp”.
  11. ^ “Chính sách và An toàn”.
  12. ^ “Huy động vốn cộng đồng và hội viên của kênh”.
  13. ^ “Bộ Văn hoá sẽ rà soát và xử lý các vi phạm trên trang YouTube”. http://dantri.com.vn. Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  14. ^ “Lập danh sách các kênh YouTube có nội dung xấu”. http://cand.com.vn. Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  15. ^ “Người có thu nhập gần 16 tỷ đồng từ Google đến nộp thuế”. kinhdoanh.vnexpress.net.